Chàng trai Pháp tìm hồn Việt qua bóng đá

Tháng 11/2023, chàng trai 28 tuổi Francois đến Việt Nam với số tiền ít ỏi mà anh kêu gọi được trong nhiều tháng thông qua tài trợ và bạn bè. Bên cạnh đó là những ý tưởng chưa thành hình về bộ phim sắp tới với chủ đề bóng đá Việt Nam, thứ anh tin có thể giúp bản thân hiểu hơn về quê hương thứ hai từng hiện lên qua lời kể của bà nội.

Francois trong buổi phỏng vấn HLV Troussier hồi tháng 11. Ảnh: NVCC

Francois trong buổi phỏng vấn HLV Troussier hồi tháng 11/2023. Ảnh: NVCC

Nhờ người quen kết nối, Francois tìm gặp HLV Troussier. Lúc đó, nhà cầm quân đồng hương người Pháp đang chuẩn bị cho trận Philippines và Iraq ở vòng loại World Cup 2026 – khu vực châu Á. Francois được VFF cấp thẻ để tham dự hai trận đấu này trên tư cách nhà báo. Sau trận Iraq vào ngày 21/11, anh gặp HLV Troussier trong một căn phòng nhỏ ở khách sạn Metropole Hà Nội.

“HLV Troussier rất thân thiện. Ông giúp tôi hiểu hơn về công việc HLV, hiểu cách một HLV suy nghĩ, tinh thần của ông ấy trên sân và cách kết nối với cầu thủ”, Francois chia sẻ với VnExpress. “Tôi cũng hiểu rằng không thể dùng logic của bản thân để giải thích quyết định của một HLV. Troussier có khả năng kết nối bóng đá và âm nhạc rất ấn tượng. Tôi nghĩ làm HLV tuyển Việt Nam là công việc khó khăn nhưng ông ấy muốn chứng tỏ bản thân có thể tạo ra những điều tuyệt vời cho bóng đá ở đây”.

See also  Haaland đăng ký bản quyền tên viết tắt EBH

Trong buổi phỏng vấn dài 45 phút, HLV Troussier giải thích với Francois về triết lý bóng đá của mình, điều ông hiếm khi chia sẻ với truyền thông Việt Nam. Ông so sánh công việc HLV trưởng với nhạc trưởng của một dàn nhạc và khẳng định bản thân không cho phép đội bóng của mình có ngôi sao, mà mọi cầu thủ đều phải đặt cái tôi xuống vì chiến thắng của cả đội.

Phim ngắn The Symphony Wins

 
 

HLV Troussier nói về triết lý bóng đá của ông trong đoạn video do Francois thực hiện ở Việt Nam.

Quan điểm này dường như được HLV Troussier thể hiện trong gần một năm dẫn dắt tuyển Việt Nam, từ ngày chính thức ký hợp đồng vào 16/2/2023. Ông gạt bỏ nhiều ngôi sao, trụ cột của đội tuyển dưới thời người tiền nhiệm Park Hang-seo và trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Nhà cầm quân 68 tuổi muốn đội tuyển trở thành một cỗ máy tự động hóa. Ông thúc giục cầu thủ ra quyết định nhanh hơn, chủ động và tự tin.

Đến nay, tuy cho thấy một số tín hiệu tích cực khi đối đầu các đội mạnh như Nhật Bản hay Iraq, Việt Nam dưới thời HLV Troussier chưa đáp ứng kỳ vọng. Triết lý của HLV người Pháp bị nghi ngờ sau trận giao hữu – thua Trung Quốc 0-2 vào ngày 10/10/2023, và đặc biệt là trận thua Indonesia 0-1 hôm 19/1 khiến Việt Nam bị loại ở vòng bảng Asian Cup.

Francois phỏng vấn Guillaume Graechen - HLV người Pháp làm đào tạo trẻ ở Việt Nam từ năm 2007. Ảnh: NVCC

Francois phỏng vấn Guillaume Graechen – HLV người Pháp làm đào tạo trẻ ở Việt Nam từ năm 2007. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, HLV Troussier chỉ là một trong những nhân vật Francois muốn phỏng vấn. Anh muốn gặp thêm những cầu thủ, HLV và nhân vật có ảnh hưởng với bóng đá Việt Nam. Trong số này có thủ quân đội tuyển nữ Huỳnh Như, HLV Guillaume Graechen – người tạo ra thế hệ Công Phượng, Xuân Trường… hay Ryan Ha, cầu thủ Việt kiều Pháp đang thi đấu cho CLB Bình Dương.

Tuy nhiên, tìm nhân vật để phỏng vấn là quá trình nan giải. “Có rất nhiều người tôi muốn gặp nhưng họ ở xa hoặc không sẵn sàng. Ví dụ, tôi muốn phỏng vấn Huỳnh Như ở Bồ Đào Nha nhưng khó quá”, nhà làm phim tự do người Pháp chia sẻ, thêm rằng anh còn đối mặt khó khăn về ngân sách và tự nhận không am hiểu về bóng đá.

Tuy nhiên, chính sự mới mẻ đó khiến Francois thích thú để dấn thân. Và thành công từ bộ phim đầu tiên cách đây ba năm cũng tiếp thêm động lực cho anh.

Francois trong lễ công chiếu phim Ngày xưa có một nhịp cầu ở Việt Nam vào tháng 4/2023. Ảnh: NVCC

Francois trong lễ công chiếu phim “Ngày xưa có một nhịp cầu” ở Việt Nam vào tháng 4/2023. Ảnh: NVCC

Năm 2021, Francois từng thực hiện bộ phim đầu tay ở Việt Nam có tên “Ngày xưa có một nhịp cầu”, kể câu chuyện về Việt Nam qua âm nhạc cổ điển. Tác phẩm giành giải Phim tài liệu ngắn xuất sắc của Giải thưởng phim Los Angeles vào tháng 1/2022. Đến nay, “Ngày xưa có một nhịp cầu” vẫn được chiếu ở nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Bỉ hay Anh. Buổi chiếu tiếp theo sẽ được tổ chức ở Đại học Harvard vào ngày 28/3.

Francois tin rằng bóng đá sẽ là chất liệu tốt để gắn kết Việt Nam và Pháp, cũng như người Việt ở khắp nơi trên thế giới. “Ấn tượng đầu tiên của tôi về bóng đá Việt Nam hiện lên qua mạng xã hội. Tôi có thể thấy lượng khán giả lớn đến mức nào và người hâm mộ hào hứng ra sao sau một trận đấu thành công, ví dụ như ở SEA Games. Tôi cũng nghĩ bóng đá là công cụ kỳ diệu để kết nối người Việt ở hải ngoại và người Việt trong nước. Tôi từng nghe nhiều người Pháp gốc Việt ở Paris nói về bóng đá Việt Nam”, anh nhận xét.

Francois tiết lộ sẽ tìm cách kết nối bóng đá với nhịp điệu của cồng chiêng Tây Nguyên, qua đó truyền tải hơn nữa văn hóa Việt Nam ra bên ngoài. Anh cho rằng bóng đá cũng là một môn nghệ thuật và có nét văn hóa riêng ở Việt Nam. “Gần đây, các học viện mới nổi lên sau thành công của JMG, VPF và Park Hang-seo. Thực tế, bóng đá Việt Nam có sự giao thoa giữa ảnh hưởng của Hàn Quốc và văn hóa phương Tây từ Anh và Pháp”, anh nói.

Francois và bà nội Nguyễn Thị Khoan

Francois và bà nội Nguyễn Thị Khoan vào khoảng năm 1999 đến 2000. Ảnh: NVCC

Nhà làm phim sinh năm 1995 chịu ảnh hưởng sâu sắc của bà nội Nguyễn Thị Khoan. Bà anh sinh năm 1934 tại Hải Phòng, từng sống ở Hà Nội, Đà Lạt và TP HCM. Năm 1954, bà theo chồng sang Pháp định cư và ở đây đến khi qua đời năm 2018. Những năm xa quê, bà Khoan thường hoài niệm, kể chuyện và nấu những món ăn Việt Nam cho cháu trai. Bà cũng dạy Francois những từ tiếng Việt đầu tiên như “Xin Chào”, “Cảm ơn”, “Không có gì”…

“Bà tôi luôn nói tốt về Việt Nam và không bao giờ nhắc đến chiến tranh. Bà từng về Việt Nam hai lần trước khi qua đời. Tôi từng ước có thể cùng về Việt Nam với bà. Sau khi bà mất, tôi mới có dịp về đây cùng bố, mẹ và anh trai”, Francois kể lại. “Qua lời kể của bà và sau chuyến đi đầu tiên về Việt Nam, có gì đó thần bí ở đây đã thôi thúc tôi trở lại. Đến nay, Việt Nam giống như quê hương thứ hai của tôi. Dù điều gì xảy ra chăng nữa, tôi sẽ tiếp tục trở về và khám phá thêm về nơi này. Tôi đã bắt đầu học tiếng Việt và kết giao với những người bạn Việt Nam”.

Francois dự định trở lại Việt Nam vào tháng 9 để phỏng vấn nốt các nhân vật. Anh hy vọng bộ phim tài liệu sẽ được hoàn thành vào tháng 11.

Quang Huy